1. Nguồn gốc của Trầm hương Khánh Hòa
Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt Trầm hương và Cây Trầm hương. Trầm hương là phần gỗ sinh trầm, còn Cây Trầm hương là Cây Dó Bầu.
Cây Dó Bầu vốn dĩ sinh ra đã mang trong mình hương thơm tự nhiên, thu hút côn trùng, nấm,… Những vết thương trên thân cây Dó Bầu theo thời gian sẽ tiết ra một chất nhựa tự vệ xung quanh, lâu dần trở nên đậm đặc hơn, ngấm vào từng thớ gỗ, tỏa hương thơm quyến rũ một loài kiến đặc biệt. Những phân tử nấm của loài kiến này mang đến vô tình được “cấy” vào lớp nhựa trên cây Dó, sau đó tạo thành Trầm.
Trải qua hàng chục năm, thậm chí là cả trăm năm mới tạo thành thứ Trầm quý hơn cả vàng. Tinh dầu càng nhiều thì các vân gỗ càng đậm, càng thơm; gỗ Trầm càng nặng thì càng quý và có nhiều công dụng.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây Dó Bầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà khoảng 350ha, tập trung ở các địa phương như Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh. Trầm hương Khánh Hòa thì tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng đất Tu Bông, Vạn Giã, huyện Vạn Ninh.
Quá trình hình thành Trầm hương từ nhựa cây Dó Bầu
Trầm hương (tên tiếng Anh là Agarwood hay Eaglewood) có ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, cũng như tại một vài khu vực ở rừng Việt Nam như Phú Yên, Bình Định, chứ không chỉ riêng Khánh Hòa. Nhưng do các điều kiện đặc biệt của địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, Trầm Hương ở vùng rừng núi Khánh Hoà có những ưu điểm vượt trội về số lượng lẫn chất lượng so với tất cả các loại Trầm hương khác, ngay cả khi xét trong phạm vi toàn thế giới.
Do đó, từ xa xưa, hễ nói đến Trầm hương là nói đến Khánh Hòa, mà nói đến Khánh Hòa là nói đến Trầm hương. Nói về Trầm hương trong thơ “Xứ Trầm Hương”, nhà thơ Quách Tấn nhiều lần nhắc đến bốn câu ca nổi tiếng:
"Khánh Hòa là xứ Trầm hương
Non cao biển rộng, người thương đi về
Yến sào mang đậm tình quê
Sông sâu đá tạc lời thề nước non"
Ông hết lời ca ngợi miền đất này với bao mỹ từ và đúc kết rằng: “Ghé chơi Khánh Hòa, một khi nhìn kỹ nước non, du khách nhất định vỗ về khen rằng: Gọi Khánh Hòa là xứ Trầm Hương thật xứng đáng. Có yêu mới biết, biết rồi thêm yêu”.
Tuyển tập thơ Xứ Trầm Hương của Quách Tấn
2. Ý nghĩa của Trầm hương Khánh Hòa
Trầm Hương sinh ra vốn đã cao quý trong các loại gỗ nhưng Trầm hương Khánh Hòa lại mang sự thiêng liêng hơn cả vì nó gắn liền với truyền thuyết “Nữ thần Ponagar - Mẹ xứ sở” là người tạo nên cỏ cây vạn vật, dạy cho dân ta biết chăn nuôi, trồng trọt. Mẹ xứ sở biểu tượng cho hạnh phúc và thịnh vượng, mang hương thơm tinh khiết của Trầm Hương Khánh Hòa thấm đượm đất trời, mang uy nghiêm trước núi non hùng vĩ của vùng đất nơi đây.
Mặt khác, Trầm hương sinh ra bởi sự kiên cường của cây Dó giữ núi rừng, cuộc sống của câu Dó khiến ta suy nghĩ về lẽ nhân sinh ở đời. Trầm Hương Khánh Hòa cùng với hồn thiêng sông núi Việt như tiếp thêm sức mạnh cho con dân đất mẹ thêm dũng khí chống lại sự khắc nghiệt của cuộc sống. Lòng yêu nước, sự quả cảm kiên cường, trí tuệ tinh thông của người Việt cũng quý như Trầm hương vậy.
Người dân Khánh Hòa từ xa xưa đã biết tự hào về Trầm hương - một sản vật thiên nhiên ban tặng xứ mình, do đó đã lưu truyền nhau câu ca dao: “Khánh Hòa biển rộng non cao. Trầm hương Vạn Giã - Yến sào Nha Trang”.
3. Phân loại Trầm hương Khánh Hòa
Trầm hương Khánh Hòa được phân thành 03 loại:
Kỳ Nam là một gỗ đắt giá nhất thị trường hiện nay bởi sự khan hiếm và khó khăn khi khai thác. Kỳ Nam và Trầm Hương đều được hình từ vết thương của cây Dó Bầu, quá trình khá giống nhau nhưng độ quý hiếm thì lại khác nhau. Gỗ Trầm được sinh ra được chia làm 02 phần: Kỳ nam và Trầm, nhưng không phải cây Dó nào được tạo ra cũng có Kỳ nam.
Kỳ nam - Trầm hương Khánh Hòa hạng nhất
Kỳ nam là loại Trầm có phẩm cấp cao nhất. Kỳ nam cho nhiều dầu, nhẹ, mềm, dẻo, nhuyễn; khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt; tỏa mùi thơm tự nhiên; khi đốt hương thơm đặc biệt, khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung.
Trầm dễ tìm thấy trên các vùng núi của Việt Nam và độ khan hiếm cũng không như Kỳ. Nếu như Kỳ nam cực kỳ đắt đỏ và khó tìm thì Trầm lại phổ biến hơn trên thị trường.
Trầm là loại ít dầu, nặng, vị đắng, hầu hết khi đốt mới tỏa mùi thơm, khói màu trắng, bay quanh rồi tan ngay.
Trầm - Trầm hương Khánh Hòa hạng nhì
Trầm tốc có mức tinh dầu ít, hình thành trên thân cây Dó, không có lỗ, thường xen dài theo thớ gỗ nên giá trị và chất lượng thấp hơn hai loại trên. Trầm tốc Tuy nói chất lượng thấp hơn nhưng so với trầm nhân tạo thì trầm tốc vẫn thuộc loại có có chất lượng ổn định và giá tiền vừa phải.
4. Tác dụng của Trầm hương Khánh Hòa
Trầm hương có giá trị về mặt Đông y, khó có sản phẩm thay thế. Nhu cầu sử dụng Trầm chủ yếu cho các mục đích làm thuốc chữa bệnh, làm hương liệu sản xuất hoá - mỹ phẩm, tín ngưỡng và trang sức.
Theo Đông y, Trầm là vị thuốc quý hiếm, vị cay, tính ôn vào 3 kinh Tì, Vị, Thận. Trầm có tác dụng dáng khí, nạp thận, bình can, tráng nguyên dương; chuyên trị các bệnh đau bụng, đau ngực, nôn mửa, hen suyển, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, cấm khẩu, thổ huyết, khó thở, kích dục…
Tinh dầu Trầm có giá trị đặc biệt khi dùng làm chất định hương (giữ cho hương thơm lâu và đậm mùi), được sử dụng cho sản xuất các loại chất thơm, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, đắt tiền. Trầm còn thể hiện khí chất huyền bí, linh thiêng đối với một số tôn giáo, nhất là đối với đạo Hồi.
5. Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa ở đâu?
Nhà trưng bày bảo tàng Trầm Hương thuộc xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Được khánh thành từ năm 2017, Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa có diện tích hơn 5.000m2, trưng bày khoảng 5.000 hiện vật về Trầm, cũng như giới thiệu về công dụng, tính nghệ thuật và văn hóa thưởng Trầm.
Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa
Bảo tàng được chia thành nhiều chủ đề như: Giới thiệu chung về nét đẹp Việt Nam, những nghiên cứu của thế giới về Trầm hương, bản đồ phân bố và nguồn gốc Trầm hương, Trầm hương gắn với tín ngưỡng trên toàn thế giới, những sản phẩm từ Trầm hương (như tượng Phật, trang sức, đồ phong thủy, hàng lưu niệm,…).
Vòng tay Trầm hương
Trải qua bao thương hải tang điền, Trầm hương dù xưa hay là nay đều vẫn giữ ngôi vị số 1, được người đời nâng niu và xem như báu vật. Món sản vật được cho là hội tụ linh khí đất trời của "xứ Trầm hương" Khánh Hòa cũng chính là nguồn cảm hứng để cho ra đời công trình Tháp Trầm Hương tại Quảng trường 2/4 Nha Trang với kiến trúc hình lõi trầm độc đáo và đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của du lịch Nha Trang nói riêng và du lịch Khánh Hòa nói chung.