Hachiko là tên của một chú chó thuộc giống Akita thuần Nhật, sinh năm 1923 tại một trang trại gần thành phố Odate, quận Akita. Hachiko được gia đình một vị giáo sư Đại học Tokyo - là ông Eisaburo Ueno, sống gần nhà ga Shibuya nhận nuôi, ông yêu thương và chăm sóc Hachiko như một thành viên trong gia đình.

Đã thành thói quen, cứ mỗi buổi sáng, Hachiko đều đi bộ theo giáo sư Ueno tới nhà ga Shibuya để tiễn ông đi làm, chờ ông mua vé và đi khuất rồi mới thôi. Buổi chiều, vào lúc 3 giờ, Hachiko lại ngồi ở một bục nhỏ trước nhà ga để chờ giáo sư đi làm về. 

Mọi việc cứ diễn ra đều đặn cho đến một ngày của tháng 5/1925, giáo sư Ueno bất ngờ bị đột quỵ và qua đời. Tuy nhiên, Hachiko không biết điều này nên vẫn cứ ngồi đợi chủ ở nhà ga ngày này qua ngày khác và không ngừng trông ngóng về một hình bóng thân thuộc bước xuống từ các chuyến tàu. Cứ như vậy, chú chó chờ đợi giáo sư Ueno trong suốt 9 năm, 9 tháng 15 ngày sau đó.

Hình ảnh chú chó Hachiko đợi chủ ở sân ga Shibuya

Trong suốt thời gian này, từ người làm vườn trước đây của giáo sư, đến giám đốc nhà ga và những người dân trong vùng đã cho Hachiko ăn và thay phiên nhau chăm sóc nó. Thậm chí, có người còn tìm đến Shibuya chỉ để nhìn Hachiko, cho nó ăn và nhẹ nhàng xoa đầu để chúc may mắn. 

Nhiều ngày, nhiều tháng, rồi nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3 giờ chiều bất kể những ngày mưa hay tuyết lạnh. Cuối cùng, vào ngày 8 tháng 3 năm 1935, người ta tìm thấy Hachiko nằm gục chết tại chính nơi mà nó từng đứng đợi chủ nhân của mình trong suốt nhiều năm.

Cái chết của chú chó Hachiko khiến mọi người khắp nơi quan tâm, thông tin được đăng tải lên trang nhất của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ, thậm chí người ta đã dành hẳn một ngày để để tang Hachiko.

Thông tin về Hachiko được đăng lên các trang báo của Nhật Bản thời bấy giờ

Từ số tiền đóng góp của dân chúng trong cả nước, người dân đã thuê nhà điêu khắc Ando Teru làm nên một bức tượng Hachiko bằng đồng. Bức tượng sau khi hoàn thành đã được đặt trang trọng ở bên trong sân ga, tại chính vị trí Hachiko đứng đợi chủ nhân trong gần 10 năm.

Tuy nhiên, vài năm sau đó, Nhật Bản bước vào Thế chiến 2, tất cả những thứ gì bằng kim loại đều bị lấy đi để đun chảy làm vũ khí, không ngoại trừ bức tượng của Hachiko. Sau khi chiến tranh kết thúc, Hachiko được tạc một bức tượng mới và đặt ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay.

Bức tượng chú chó Hachiko ở sân ga Shibuya

Ngoài bức tượng ở nhà ga Shibuya, Hachiko còn được dựng tượng ở quê hương mình là bên ngoài ga Odate, một bức khác đặt ở trước bảo tàng chó Akita, và một bức tượng Hachiko đang chơi đùa cùng giáo sư Ueno ở tại Đại học Tokyo. 

Chính phủ Nhật còn lập một một tấm bia tưởng niệm chú chó Hachiko bên cạnh mộ của vị giáo sư trong nghĩa trang Aoyama. Lối ra ở ga Shibuya cũng được đặt theo tên Hachiko

Câu chuyện về lòng trung thành của Hachiko, cũng như tình cảm gắn kết giữa con người với loài thú nuôi đã được lan tỏa trên toàn thế giới và tái hiện chân thật qua những thước phim lẫn các tác phẩm nghệ thuật. Cho tới giờ, hình ảnh chú chó Hachiko vẫn có ý nghĩa lâu bền trong văn hóa Nhật Bản.

Câu chuyện về chú chó Hachiko được chuyển thể thành phim và sách

Nếu có dịp đến đây, du khách đừng quên xoa đầu chú chó nhỏ trung thành này và chúc nó may mắn. Đây là việc làm ý nghĩa mà bất kỳ người dân hay khách du lịch nào khi đến nhà ga Shibuya cũng dừng lại ít giây để nhớ về một chú chó đã dành cả đời ngồi chờ chủ nhân trên thềm sân ga lạnh giá.

Bức tượng Hachiko ở sân ga Shibuya thu hút sự chú ý của du khách quốc tế