Cực quang (aurora) là hiện tượng quang học khi bầu trời xuất hiện các dải ánh sáng màu sắc vào ban đêm. Cực quang có các dải màu từ trắng, xanh lục, xanh lam, tới hồng và tím, cường độ từ thấp đến cao. Màu phổ biến nhất là xanh lục và xanh lam.

Ở các nước nằm ở vĩ độ cao đều có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này. Tiêu biểu có Alaska (Mỹ), Bắc Canada, Bắc Thụy Điển, Bắc Nauy, Iceland, Greenland (Đan Mạch) và Phần Lan. Trong đó, Iceland là nơi thường xuyên xuất hiện cực quang nhất.

Gần đây giới trẻ thường hay nhắc đến trào lưu "săn cực quang" vì lúc này đang trong thời điểm thuận lợi nhất của năm, tháng 10 và 11. Ở Iceland, một số địa điểm thường được dân chuyên đến săn cực quang là sông băng Jokulsarlon, núi Kirkjufell, Vestrahorn...

Muốn chiêm ngưỡng được dải lụa ánh sáng này trước tiên cần kiểm tra thời tiết, tìm một bầu trời quang mây, không mưa, chuẩn bị máy ánh và kiên nhẫn chờ đợi. Ngoài ra, khi đi săn cực quang, du khách nên mặc quần áo ấm, mang theo găng tay, mũ len. Nếu đi từ tháng 12 thì cần cả miếng dán giữ nhiệt vì nhiệt độ về đêm sẽ lạnh hơn bình thường, có lúc xuống âm 15 độ C. Khách có thể mang thêm đồ ăn vặt, bình giữ nhiệt, cà phê để nhâm nhi trong thời gian chờ đợi.

Nếu muốn chụp ảnh cùng cực quang, có thể chụp bằng điện thoại có chế độ phơi sáng. Khi đứng chụp mẫu cần giữ nguyên tư thế trong vài giây, chỉ cần khẽ chuyển động, điện thoại máy ảnh sẽ khó bắt được nét trong điều kiện ánh sáng kém. Người chụp ảnh giờ đèn pin hoặc bật flash điện thoại khoảng 1-2 giây vừa đủ để sáng mặt mẫu rồi tắt đèn ngay.

Săn cực quang không chỉ là một thú vui du lịch, mà nó còn thử thách sự kiên nhẫn và may mắn của du khách, có khi phải đi hết đêm này qua đêm khác. "Săn cực quang" cũng đang trở thành một tour hot trong năm.