Có thể nói, đây là một tin vui đối với ngành du lịch Việt Nam sau một thời gian dài tạm dừng đón khách quốc tế để phòng chống dịch bệnh từ tháng 04/2021 đến nay. Việc thí điểm mở lại du lịch quốc tế sẽ là tiền đề để từng bước phục hồi hoạt động du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc-xin đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), báo cáo Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.

Để bảo đảm sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, ngay từ cuối năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các phương án, kế hoạch, làm việc với các cơ quan liên quan. Gần đây nhất, vào ngày 24/3/2021, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với đại diện một số bộ, ngành bàn về đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam.

Việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó cần ưu tiên cao nhất cho việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch; cần thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp, các doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Trong đó, huyện đảo Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang được xem là trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh tốt ở nước ta hiện nay nên được chọn làm nơi thí điểm hộ chiếu vắc-xin đầu tiên.

Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) được chọn làm nơi thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc-xin

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ trong đón du khách quốc tế đảm bảo quy trình phòng chống dịch. Vừa qua, đã hình thành được một nền tảng công nghệ đó là hệ thống chứng nhận số vắc-xin (https://travelpass.tourism.vn/) để phục vụ đón khách du lịch khi hoạt động du lịch quốc tế được mở lại.

Hiện trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai rộng rãi việc tiêm vắc-xin phòng dịch để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Một số nơi đã áp dụng các loại hình chứng nhận số về sức khỏe để tạo thuận lợi đi lại trong khu vực, từng bước mở lại hoạt động du lịch, giao thương, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để chào đón mùa du lịch hè, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua chính sách áp dụng Chứng nhận COVID kỹ thuật số EU (EU Digital COVID Certificate) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đi lại, du lịch trong khối và góp phần phục hồi nền kinh tế. Hệ thống này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Giấy chứng nhận sẽ do chính phủ từng quốc gia thành viên cấp dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm chứa mã QR, trong đó cung cấp thông tin về người đã được tiêm phòng vắc xin COVID-19, có kết quả âm tính gần đây hoặc đã bình phục sau khi mắc bệnh. Chứng nhận này cũng được chấp nhận ở một số quốc gia ngoài EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Chứng nhận COVID kỹ thuật số EU

Một số quốc gia Châu Á như Singapore, Thái Lan cũng đã triển khai áp dụng chứng nhận số vắc-xin. Chẳng hạn như, từ ngày 1/5/2021, Singapore đã chấp nhận thẻ thông hành số IATA Travel Pass của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) trong việc đón khách quốc tế.

Ngày 4/6/2021, chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch tái mở cửa Phuket với mô hình “Hộp cát Phuket” (Phuket Sandbox). Theo đó, kể từ ngày 1/7/2021, Phuket sẽ đón khách du lịch quốc tế và miễn cách ly đối với những người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Tuy nhiên, du khách sẽ phải ở lại Phuket 14 ngày trước khi tiếp tục hành trình đến các địa điểm khác ở Thái Lan.

Thẻ thông hành số IATA Travel Pass

Riêng đối với Việt Nam cũng đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Trước mắt ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tiến tới triển khai trên diện rộng để tạo miễn dịch cộng đồng.

(Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam)