Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, còn người Việt gọi là bằng cái tên dân dã hơn là "Tết diệt sâu bọ". Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt nói riêng và từ lâu đã tồn tại trong văn hóa dân gian của các nước phương Đông nói chung.
Có thể hiểu một cách đơn giản Tết Đoan Ngọ chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài côn trùng và mầm mống bệnh gây hại cho cây trồng. Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày mùng 5 tháng 5.
Mâm lễ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ thường bao gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, bánh tro, bánh ú, cơm rượu, xôi, chè, các loại hoa quả. Tuy nhiên, tùy theo văn hóa, phong tục mỗi vùng miền mà người dân sẽ chuẩn bị những món ăn khác nhau.
Chẳng hạn như ở Hà Nội và một số vùng của miền Bắc thì rượu nếp (đặc biệt là rượu nếp cẩm) là món phổ biến. Còn ở miền Trung, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú nước tro, nhà nào cũng mua từ 30 - 40 cái trở lên để cúng gia tiên và sau đó cả gia đình cùng nhau thưởng thức. Với người Nam bộ, thịt vịt lại là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ diệt sâu bọ.
1. Bánh tro
Bánh tro có nhiều tên gọi như bánh gio, bánh âm, bánh ú... với nhiều biến thể và hình dáng khác nhau. Nhiều người quan niệm rằng ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 sẽ giúp bệnh tật trong người tiêu tan; cây cối, hoa màu tươi tốt; sâu bọ bị diệt trừ.
Bánh tro được làm khá cầu kỳ, rơm nếp đốt rồi lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng, chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp, sau đó vớt ra xả lại bằng nước sạch và để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh được ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát.
Bánh tro phổ biến nhất có hình chóp tam giác nhỏ nhắn, được gói trong một lớp lá tre, lá dong hoặc lá chuối rồi hấp đến khi chín mềm. Hương vị bánh tro là sự hoà quyện giữa phần nếp tro và đậu xanh ngọt thanh, bùi béo vô cùng hấp dẫn.
Ngoài loại bánh có nhân đậu, đôi khi bánh tro được làm không nhân và chấm với mật mía sánh tạo ra sự ngọt ngào, ngon miệng đến khó tả.
Bánh ú nước tro
2. Bánh Bá Trạng
Nếu người Việt không thể thiếu bánh ú nước tro trong ngày mùng 5 tháng 5, thì người Hoa cũng không thể thiếu bánh Bá Trạng. Theo thời gian, món ăn này dần trở thành một phần quen thuộc của người Việt.
Nhìn bên ngoài có hình dáng giống như bánh ú ở Việt Nam, nhưng kích thước bánh Bá Trạng thường to hơn. Với người Hoa thì bí quyết sơ chế và tẩm ướp riêng để tạo ra một mùi vị bánh Bá Trạng đặc trưng được lưu giữ giống như là một công thức gia truyền của mỗi gia đình.
Vỏ ngoài của bánh sẽ là nếp và đậu được tuyển chọn từng hạt căng tròn. Nếp và đậu đều được ngâm qua một đêm cùng với các vị thảo dược cho ngấm và mềm trước khi làm bánh. Khi ăn, ngoài vị bùi của đậu còn cảm nhận được vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm thảo dược.
Nhân bánh Bá Trạng gồm rất nhiều thứ tùy theo sở thích của từng người mà thêm vào như tôm khô, lạp xưởng, trứng muối, thịt đùi heo,... được tẩm ướp và sơ chế cho thật vừa ăn trước khi gói. Bánh được gói bằng lá dong để giữ được mùi vị thơm ngon nhất.
Bánh Bá Trạng
3. Cơm rượu nếp
Giống như bánh tro, cơm rượu cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Theo quan niệm của dân gian, các loại thức ăn có vị chua, cay, ngọt và ấm nóng có khả năng tiêu diệt được những loại giun, sán, ký sinh trùng, vi khuẩn trong cơ thể. Do đó, cơm rượu sẽ được ăn đầu tiên vào buổi sáng sớm khi bạn vừa thức dậy trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu được làm từ gạo nếp cái thơm, đem đồ chin thành xôi rồi để nguội, sau đó rắc bột men lên bề mặt theo từng lớp rồi ủ trong 3 ngày. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm, ngọt, cay cay dễ chịu.
Cơm rượu nếp cẩm
Nhờ chất đường tăng lên nên càng làm tăng tính bổ dưỡng của món này. Cơm rượu nếp có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, trừ đàm, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn.
4. Thịt vịt
Bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa, thịt vịt lúc này không còn mùi hôi, béo hơn, thơm ngon hơn bất kỳ thời gian nào khác trong năm. Những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ, các chợ thường rất rộn rã mua bán vịt sống, phong tục ăn vịt cũng được lưu truyền tại các địa phương.
Với hầu hết gia đình người Việt đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, quen thuộc nhất là món tiết canh vịt, bún măng vịt, vịt xáo măng, vịt quay, cháo vịt, gỏi vịt, vịt kho gừng,...
Thịt vịt quay
5. Chè trôi nước
Chè trôi nước không chỉ là món chè truyền thống trong ngày 3 tháng 3 âm lịch, mà nó còn là món ăn khoái khẩu vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5.
Từng viên chè tròn trịa làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh ngọt ngào, ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy và mùi thơm cay của gừng làm man mát ở ngay đầu lưỡi. Chè trôi nước từ lâu đã là món ăn dùng để cúng kính tổ tiên cũng như được các thành viên trong gia đình rất ưa thích.
Ngoài chè trôi nước thì các món xôi chè nói chung cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tùy theo mỗi vùng miền mà người dân sẽ ăn các loại xôi chè khác nhau, ví như người miền Bắc sẽ ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp; người miền Trung sẽ nấu chè kê, chè hạt sen; trong khi người miền Nam thì ăn chè trôi nước.
Chè trôi nước
6. Trái cây theo mùa
Tháng 5 âm lịch (thường rơi vào tháng 6 dương lịch) là tháng các loại hoa quả vào mùa chín rộ. Người nông dân từ xưa đã quan niệm, trái chín phải thu hoạch đúng thời điểm để tránh dơi, sâu bọ, chim chóc kéo đến ăn hết.
Không chỉ đẹp mắt nhờ màu sắc hài hoà, hương vị của các loại trái cây như mít, đào, mận, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… sẽ khiến cho mâm cơm gia đình thêm trọn vẹn, sung túc. Tuy nhiên, có một số loại trái cây là hoa quả nóng, vì thế chúng ta chỉ nên ăn "làm phép" thay vì ăn no bụng để tránh tình trạng bị nóng ruột, mọc mụn vì "giết sâu bọ" nhé.
Trái cây theo mùa
Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, "Đoan" nghĩa là "mở đầu", "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 13 giờ chiều. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ.
Nhìn chung, cứ đến Tết Đoan Ngọ, ở Việt Nam, những món ăn để "giết sâu bọ" rất phong phú, đa dạng theo từng vùng miền. Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, Tết Đoan Ngọ vẫn là dịp để người Việt hướng đến một nét đẹp văn hóa và tâm linh đã trở thành truyền thống tự bao đời nay.