Thịt kho là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, gồm thịt heo kho cùng nước dừa và trứng vịt hoặc gà.
Thịt kho nước dừa là món ăn ngày Tết ở đâu?
Ngày Tết miền Bắc thường có thịt đông thì trên mâm cơm của người miền Nam, đó là món thịt kho trứng (thịt kho hột vịt) với nước dừa. Món ăn gồm thịt heo cắt hình bao diêm, tẩm ướp gia vị rồi cho vào nồi đun sôi với nước dừa, thả trứng (gà hoặc vịt) luộc chín rồi nêm nếm cho vừa ăn.
Dân gian cho rằng, món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất, năm mới trọn vẹn, đủ đầy.
Món canh nào được người miền Nam ăn vào dịp năm mới?
Người miền Nam quan niệm canh khổ qua (mướp đắng) giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón năm mới tốt lành, hạnh phúc. Món canh đơn giản với khổ qua nguyên trái làm sạch, bỏ ruột, nhân bên trong là thịt heo xay nhuyễn, có thể trộn với chả cá để tăng độ dai, thêm nấm mèo thái sợi và hành lá. Món canh ngon khi khổ qua không quá đắng và nước dùng thanh ngọt.
Cá lóc nướng trui là món ăn ngày Tết ở miền nào?
Mâm cơm ngày Tết có sự giao thoa văn hóa giữa 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer tại miền Tây Nam Bộ. Ngoài món "đinh" là thịt kho trứng còn có cá lóc nướng trui, cá do người dân tát đìa, tát mương chuẩn bị thực phẩm dự trữ trong Tết. Sau các bữa cơm với thịt kho, gà luộc, người dân thường ăn món cá lóc nướng cuốn bánh tráng, rau sống để chống ngán.
Bánh tổ là món ăn cúng gia tiên ở đâu?
Với người dân Quảng Nam, bánh tổ là loại bánh của ngày Tết. Những ngày đầu năm, trên bàn thờ gia tiên của người dân không thể thiếu loại bánh này. Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường, hạt mè và gừng. Khuôn bánh tổ thường đan bằng tre trông như cái rọ, lá chuối được chọn lựa cẩn thận cắt ra lót vào khuôn. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá.
Gân bò ngâm kiệu được người dân ở đâu thường ăn dịp Tết?
Vào ngày Tết, ngoài các món bánh chưng bánh tét, người Huế thường có món gân bò ngâm củ kiệu ăn chống ngán. Nguyên liệu gồm gân bò luộc chín kết hợp cùng kiệu muối chua, lạc rang, bột ngọt, mắm, ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn, rau húng quế và cóc non thái mỏng.
Món chè nào thường được người Hà Nội thắp hương trong ngày Tết?
Người Hà Nội xưa thường dùng chè kho để cúng Phật và gia tiên. Đây cũng là thức quà ngon mời khách đến chơi nhà dịp Tết trước đây. Ngày nay, người Hà Nội và một số tỉnh thành khác như Nam Định vẫn dùng chè kho để cúng ngày Tết.
Đậu xanh sau khi được xay vỡ, ngâm nước lạnh để long vỏ rồi đãi sạch, rắc thêm chút muối để ráo nước và mang đi đồ. Sau khi đỗ chín thì giã nhuyễn cho mịn rồi trộn với đường trắng đánh tan với nước, đun sôi để nguội thành nước đường. Cho hỗn hợp này lên bếp, dùng đũa cả khuấy đều tay, hạ lửa nhỏ dần. Đến khi ráo đũa, đỗ không còn dính thì bắc xuống, đổ ra đĩa.
Người Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc cúng món gì trong năm mới?
Xôi ngũ sắc (cơm đen cơm đỏ) là món ăn không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày ở Yên Bái cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc trong dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu sắc chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng đại diện cho cây lúa, loại hoa màu, ngũ cốc; màu tím đại diện cho đất đai trù phú; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt; màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống.