Trung Quốc
Có thể nói rằng Tết Trung thu là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Trung Quốc. Các gia đình quây quần bên nhau vừa ngắm trăng vừa ăn bánh Trung thu và bưởi.
Các hoạt động vui chơi khác bao gồm đoán câu đố trên đèn lồng, thả đèn trời, uống một vài ly rượu thơm hoặc ngắm thủy triều ở các vùng ven biển.
Người dân Trung Quốc có phong tục thả đèn trời nhân dịp Trung thu
Singapore
Trung thu là dịp lý tưởng để người dân Singapore tặng quà cho người thân, bạn bè, đặc biệt là những đối tác làm ăn của họ. Món quà vừa ý nghĩa vừa thiết thực nhất chính là bánh Trung thu.
Những chiếc bánh Trung thu đầy sáng tạo của người Singapore gồm có: Bánh dẻo nhân trà xanh, bánh nướng nhân bí đỏ hoặc sầu riêng, bánh trung thu lạnh cùng những hình dáng bánh của nhân vật hoạt hình đáng yêu.
Tết Trung thu ở Singapore rực rỡ ánh đèn trang trí
Malaysia
Tết Trung thu Malaysia bắt đầu từ ngày 19/9 được đánh dấu bằng Lễ hội bánh trung thu và Lễ hội lồng đèn.
Trong dịp lễ hội, những chiếc đèn lồng khổng lồ rực rỡ được trang trí khắp nơi hay trong những sạp hàng nhỏ nhắn bán lồng đèn giấy với nhiều hình dạng, kích cỡ. Bên cạnh đó là rất nhiều loại bánh trung thu mang hương vị truyền thống có nhiều hình dáng độc đáo.
Ngập tràn ánh sáng lung linh với Tết Trung thu Malaysia
Hong Kong (Trung Quốc)
Người Hong Kong tổ chức Tết Trung thu một ngày sau ngày chính thức để họ có thể ngủ tiếp sau một đêm vui chơi. Tương tự như Malaysia và Singapore, người dân địa phương thích ăn và tặng bánh Trung thu, chơi đèn lồng và xem múa lân hoặc múa rồng.
Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức tiệc nướng trong các buổi đoàn tụ gia đình và họ cũng mời bạn bè đến dùng bữa. Để chiêm ngưỡng trăng tròn, một số người dân địa phương sẽ đến Bến du thuyền Kai Tak, khu vườn trên cao lớn nhất ở Hồng Kông, họ cũng có thể thưởng thức cảnh đẹp của Cảng Victoria từ vị trí thuận lợi đó.
Màn múa rồng lửa đặc sắc ở Tai Hang
Đài Loan
Cũng giống như người Hong Kong, người Đài Loan rất thích tổ chức tiệc nướng trong lễ kỷ niệm Tết Trung thu. Người Đài Loan cũng thích ăn bánh trung thu và bưởi.
Bánh Trung thu Đài Loan
Người dân địa phương thậm chí có thể có một vài vòng Cá cược Bánh Trung thu. Trò chơi được cho là được phát minh bởi Zheng Chenggong, một vị tướng nổi tiếng đã tái chiếm Đài Loan từ tay người Hà Lan.
Trò chơi được chơi với 6 viên xúc xắc và ai nhận được con số tốt sẽ giành được một số bánh Trung thu. Một phong tục phổ biến trong giới nông dân là cầu nguyện Tudigong cho một mùa thu bội thu.
Nhật Bản
Người Nhật Bản cũng tổ chức Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ở Nhật Bản, nó được gọi là Lễ hội Tsukimi hoặc Otsukimi.
Truyền thống hàng thế kỷ ở Nhật Bản là tổ chức Tiệc tri ân Mặt trăng, nơi khách đến nhà chơi có thể thưởng thức món bánh gạo nếp ngon gọi là Tsukimi Dango trong khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mặt trăng.
Bánh Tsukimi Dango truyền thống của người Nhật Bản
Vào đêm lễ hội, họ dâng bánh Tsukimi Dango, trái cây, rượu và khoai môn lên Mặt Trăng để cầu mong một mùa màng bội thu. Những ngôi nhà của người Nhật sẽ được trang trí bằng cỏ pampas màu trắng bạc, được cho là biểu tượng của Thần Mặt Trăng - người canh giữ mùa màng. Người ta cũng tin rằng cỏ pampas có thể xua đuổi tà ma.
Mặc dù thế hệ trẻ không còn duy trì tất cả những phong tục này nữa, nhưng nó vẫn được thực hiện ở một số vùng của đất nước hoa anh đào.
Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc là một sự kiện lớn của đất nước, còn được gọi là Ngày Lễ Tạ ơn hoặc Chuseok. Người dân tận hưởng kỳ nghỉ 3 ngày và họ có cơ hội trở về quê để thăm gia đình.
Trong dịp sum họp gia đình, mọi người sẽ thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh gạo Songpyeon, bánh Hangwa, súp khoai môn và rượu gạo.
Bánh gạo Songpyeon Hàn Quốc
Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Có nhiều chương trình giảm giá trong thời gian diễn ra lễ để mọi người có thể mua sắm làm quà.
Những món quà này thường là những mặt hàng cần thiết như dầu ăn, dụng cụ nấu ăn, thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm dinh dưỡng như nhân sâm Hàn Quốc.
Thái Lan
Theo truyền thuyết Thái Lan, tám vị thần bất tử đã đến thăm Cung điện Mặt Trăng để gửi những chiếc bánh hình quả đào và lời chúc mừng sinh nhật đến Nữ thần Nhân từ Quan Âm vào đêm Trung thu.
Vì vậy, một trong những thực phẩm phổ biến trong lễ kỷ niệm là bánh hình quả đào. Các gia đình cũng tụ tập để cầu trăng, thưởng thức bữa ăn ngon cùng nhau và trao nhau những lời chúc an khang.
Bánh trung thu ở Thái Lan có hình dáng quả đào
Người dân cũng ăn và tặng bánh trung thu hoặc trái cây, đặc biệt là bưởi tròn, cho gia đình và bạn bè.
Philippines
Trong Tết Trung thu, nhiều nơi được trang trí bằng những chiếc đèn lồng và biểu ngữ. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều hương vị bánh trung thu ở hầu hết các cửa hàng, bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), gồm nhiều "phiên bản" khác nhau.
Bánh trung thu ở Philippines được gọi là Hopia
Một sự kiện lớn khác là các cuộc diễu hành múa rồng, cuộc diễu hành quần áo truyền thống của Trung Quốc, cuộc diễu hành đèn lồng và cuộc diễu hành xe hơi sang trọng.
Lào
Tại Lào, lễ hội That Luang là lễ hội lớn liên quan đến ngày trăng tròn. Trung tâm lễ hội là Pha That Luang - ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước “Triệu Voi”.
Lễ hội Thạt Luổng truyền thống của Lào
Vào những ngày lễ hội, các ngả đường đến Pha That Luang lung linh ánh nến và tòa tháp cùng được trang hoàng rực rỡ, tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng.
Campuchia
Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch.
Lễ hội còn có tên là Ok Om Bok , thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn… Sáng sớm, người Campuchia sẽ tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống với lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.
Trong lễ hội, người Campuchia cũng thường tổ chức cuộc thi thả đèn trời. Đèn trời bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.
Hoạt động thả đèn trời trong lễ hội Ok Om Bok
Việt Nam
Tết Trung thu ở Việt Nam lấy trẻ nhỏ làm trung tâm. Vào ngày đó, các bậc cha mẹ sẽ tặng cho con mình những món đồ chơi, món ăn vặt yêu thích để làm quà.
Trong khi người lớn thưởng thức bánh trung thu, trẻ em được vui chơi với những chiếc đèn lồng hình cá chép và đèn ông sao.
Ngoài ra, còn có các buổi biểu diễn múa lân và múa rối nước cho mọi người thưởng thức. Người dân địa phương có thể tham gia các cuộc thi để xem ai là người làm ra những chiếc đèn lồng đẹp nhất.
Chiếc đèn ông sao được trẻ em Việt Nam rất yêu thích
Với mùa Trung thu năm nay, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhất là những địa phương vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trung thu năm nay có lẽ vẫn chưa là Tết Đoàn viên thực sự với nhiều gia đình, nhưng họ vẫn có thể dành cho nhau sự quan tâm ngọt ngào như chính chiếc bánh Trung thu với niềm tin và hy vọng dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi.