Hà Nội có đủ 12 mùa hoa, mỗi tháng là một loài hoa đặc trưng khoe sắc rộ trên các con phố.
Loài hoa nào đặc trưng cho Hà Nội vào tháng 4?
Tháng 4, hoa loa kèn theo chân những tiểu thương len lỏi khắp những con phố, khu chợ của thủ đô, báo hiệu mùa hạ đang tới. Những địa điểm tập trung nhiều xe hoa nhất là phố Giảng Võ, Phan Đình Phùng, cổng chợ Hàng Da, chợ hoa Quảng Bá.
Hoa loa kèn du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 20 với nhiều màu sắc. Loại hoa này có ưu điểm là chơi được lâu, hương thơm nhẹ và dùng được với nhiều mục đích như thắp hương, bày biện ngoài phòng khách. Bên cạnh nhiều loài hoa "ngoại" như cẩm chướng, violet, phăng thì loa kèn trắng được ưa chuộng hơn cả.
Mùa sấu chín ở Hà Nội bắt đầu từ tháng mấy?
Ở Hà Nội có rất nhiều con phố trồng sấu như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo. Cây sấu rất cao, tán lá dày đặc nên rất ít người để ý thấy những trái chín trên cây. Tháng 9 hằng năm là thời điểm đánh dấu mùa sấu chín bắt đầu ở Hà Nội.
Sấu chín có vị chua nhẹ và ngọt, chấm cùng muối ớt. Ô mai sấu là một trong những đặc sản đắt khách của thủ đô.
Hoa sữa thường nở vào mùa nào trong năm?
Hoa sữa thường nở vào mùa thu, khoảng tháng 9, 10. Hương hoa sữa nồng nàn khiến người đi xa nhớ nhung về Hà Nội. Khi những chùm hoa sữa li ti tỏa hương khắp các góc phố, con đường, Hà Nội trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.
Loại nem nào là đặc sản Hà Nội?
Nem Phùng là một trong những món nem thính được người dân Hà Nội yêu thích nhất. Sở dĩ món ăn có tên là nem Phùng là do có xuất xứ từ thị trấn Phùng, nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Nguyên liệu làm nem gồm thịt và bì lợn, gạo nếp và tẻ, đậu tương, lá sung. Thịt được chọn làm nem phải là thịt mềm, có cả nạc và mỡ. Gạo được chọn làm thính cũng phải là loại tẻ ngon và một ít nếp cái hoa vàng. Thịt lợn được xắt thành từng thỏi rồi đem hấp cách thuỷ, lọc bì, mỡ và nạc riêng rồi thái chỉ. Thịt đun chín tái, dùng thính để chín ngấu.
Sau đó, người làm nem trộn thính với bì và thịt lợn đã lọc riêng và xắt nhỏ rồi đùm lại bằng lá sung rồi mới gói lá chuối ở ngoài, buộc lạt lại thành "quả nem". Vì vậy, khi bóc ra nem thường bện chặt với nhau, khi ăn tách dần ra để tơi.
04 món ăn nào được mệnh danh là Tứ vị Hà Thành?
Phở, bún chả, bún đậu và bánh tôm được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long liệt kê vào danh sách Tứ vị Hà thành - các món dân dã tạo nên hương vị ẩm thực Hà Nội - trong bài hát xẩm cùng tên.
Từ lâu, phở là món ăn gắn liền với Hà Nội. Mỗi lần đến thủ đô ai cũng muốn thưởng thức một tô phở gia truyền. Phở phải ăn nóng, nước dùng còn bốc hơi nghi ngút khi mới được múc ra từ nồi đang ủ trên bếp. Mỗi người có cách nấu khác nhau vì vậy mỗi hàng lại có một hương vị nước dùng riêng. Bánh phở làm từ bột gạo, được cắt thành sợi dài và dai.
Món bún chả thường dùng bún rối. Thịt nướng ngon phải giữ được mùi của khói than quyện với vị mỡ hơi xém. Mỗi nơi có bí quyết pha nước chấm khác nhau nhưng gia vị chủ yếu là nước mắm, tỏi, ớt, tiêu. Điểm tô cho bát nước chấm bắt mắt là những lát cà rốt hoặc đu đủ để ăn kèm với thịt nướng.
Bún đậu là món bình dân nhưng rất đặc trưng ở Hà Nội, ăn cùng mắm tôm đã thêm chút đường và chanh còn bánh tôm là đặc sản nổi tiếng ở khu vực hồ Tây. Bánh làm bằng bột mì, pha với bột gạo, bột năng được ủ lên men chua.