F0 tại nhà có thể thực hiện các dạng bài tập thở, tư thể nghỉ ngơi, luyện tập tại giường hay các bài tập tăng thể lực, rèn luyện sức bền để nâng cao sức khỏe. Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, một số dạng bài tập vận động thích hợp cho F0 điều trị tại nhà như sau:
1. Bài tập thở
Tập thở nhằm mục đích giúp cải thiện tình trạng khó thở. Một số kiểu tập thở gồm: thở chúm môi, thở cơ hoành, thở bụng. Nếu người nhiễm có tiết nhiều đờm dịch thì tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho.
- Kiểu thở chúm môi: Hít vào thật sâu và từ từ bằng mũi, sau đó chúm môi và từ từ thở ra cho tới hết khả năng.
- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên; thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.
- Kiểu thở bụng: Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận sự chuyển động của ngực và bụng. Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (cảm nhận tay ở bụng đi lên), sau đó thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống (cảm nhận tay ở bụng đi xuống).
Tập thở cơ hoành
Kiểu thở bụng
Lưu ý, khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức. Kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5-10 phút. Hai động tác này có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm (khi nằm luồn gối dưới đầu và dưới khoeo để chân hơi co lại).
- Kỹ thuật ho: Thực hiện theo 3 bước. Đầu tiên, thở chím môi trong khoảng từ 5-10 phút giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản lơn hơn. Sau đó mở tròn miệng hà hơi 5-10 lần, tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm ra khí quản. Cuối cùng là ho bằng cách hít hơi vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 1-2 lần, lần một ho nhẹ, lần hai ho mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Đầu tiên người bệnh thở có kiểm soát bằng cách hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây. Sau đó căng giãn lồng ngực bằng cách hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2-3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3-5 lần. Cuối cung là hà hơi, thực hiện bằng cách hít thật sâu, nín thở 2-3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài, lặp lại 1-2 lần.
2. Bài tập tư thế nghỉ ngơi
Nếu kết quả đo oxy máu (SpO2) của F0 dưới 94% hoặc thấy mệt, khó thở, người nhiễm có thể áp dụng tư thế nằm sấp, nằm đầu cao. Tiếp tục theo dõi oxy máu khi thay đổi tư thế.
Để thực hiện tư thế nằm sấp, bạn giữ đầu hơi thấp so với thân người, xoay đầu sang một bên để dễ thở. Chêm lót khăn/gối ở vùng đầu cổ giúp thoải mái; chêm lót khăn/gối ở vùng hông để tránh đau lưng; chêm lót khăn/gối ở chân giúp thoải mái; tránh chêm vào vùng bụng vì sẽ gây khó thở. Thời gian nằm sấp duy trì 1-2 giờ trong mỗi 4 giờ, tối đa 14h trong ngày.
Cải thiện nồng độ oxy bằng tư thế nằm sấp
Ngoài ra, còn có tư thế nằm đầu cao và tư thế nằm nghiêng. Với tư thế nằm đầu cao, nằm đầu cao 30-60 độ hoặc ngồi dựa lưng. Với tư thế nằm nghiêng, bệnh nhân cần được chêm gối phần đầu cổ, hông và giữa hai chân để tạo sự thoải mái.
Lưu ý trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập để theo dõi sức khỏe. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ thì báo ngay cho nhân viên y tế.
3. Bài tập vận động tại giường
Người nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến vừa được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường và vận động vừa sức. Vận động giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu và thư giãn.
Một số bài vận động như: Nâng vai, gấp duỗi khuỷu tay, gấp xoay cổ chân, co duỗi chân, dạng chân, nâng chân...
Một số bài tập vận động tại giường
4. Bài tập tăng thể lực, rèn luyện sức bền
Đây là các bài tập như co duỗi chân, dạng khép chân, nâng mông, đứng lên ngồi xuống... giúp cho F0 tại nhà có thể tăng thêm sức bền.
Một số bài tập vận động chủ động giúp tăng sức bền