Hà Giang và Cao Bằng là 02 tỉnh được du khách đánh giá là đẹp nhất trên hành trình chinh phục các tỉnh miền núi phía Bắc. Nếu Hà Giang đẹp hùng vĩ và đặc trưng bởi hoa tam giác mạch nên thơ, thì Cao Bằng có vẻ đẹp như tranh vẽ bởi vào mùa lúa chín, dòng sông Quây màu xanh lam kết hợp với lúa vàng và những ngọn đá vôi sẽ tạo nên khung cảnh đẹp không thể tả xiết. Không chỉ có thế, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn những điều hấp dẫn vốn có ở Cao Bằng nhé.
Đèo có 14 khúc cua ở Cao Bằng tên là gì?
Đèo Khau Cốc Chà (Mẻ Pia) nối xã Xuân Trường với trung tâm huyện Bảo Lạc của Cao Bằng. Đèo được khởi công xây dựng từ 2009 đến 2011 hoàn thành và đi vào sử dụng. Đây là cung đèo núi hiểm trở dài chỉ 2,5 km nhưng có 14 khúc cua. Du khách hoặc đi xe hoặc chọn trekking 3km lên đỉnh núi gần đó để được nhìn toàn cảnh đèo từ trên cao.
Hạt dẻ là đặc sản của huyện nào Cao Bằng?
Huyện Trùng Khánh cách thành phố Cao Bằng 58 km, là thủ phủ của hạt dẻ, loại hạt thơm bùi ít nơi đâu sánh được. Huyện có diện tích trồng cây hạt dẻ trên 240 ha, tập trung nhiều ở thị trấn Trùng Khánh, các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê và Phong Châu.
Núi Mắt Thần ở Cao Bằng có tên gọi khác là gì?
Núi Mắt Thần có tên khác là núi Thủng, người Tày gọi là Phja Piót có nghĩa "thủng một lỗ". Ngọn núi có một hang thủng này nằm ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Trong giai đoạn Tân kiến tạo, hang đã được nâng lên cao 50 m so với mặt hồ.
Hồ Nậm Trá dưới chân núi Mắt Thần núi có nước dâng cao vào mùa mưa (tháng 6-8) và cạn dần trong mùa khô (các tháng còn lại). Ngày nay, núi Mắt Thần là một điểm đến hoang sơ thu hút du khách đam mê khám phá, yêu thích cắm trại, trekking…
Thạch đen là đặc sản của huyện nào ở Cao Bằng?
Huyện Thạch An nằm ở phía đông nam tỉnh Cao Bằng nổi tiếng với đặc sản thạch đen. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng này rất thích hợp để trồng cây thạch đen, hay cây sương sáo.
Người dân ở đây dùng lá cây thạch đen nấu thạch theo cách thủ công, cho thành phẩm có màu đen bóng tự nhiên, hương vị thơm nhẹ, thanh mát. Thạch đen có thể dùng trong các món chè, sữa chua, hoa quả trộn hoặc ăn riêng như món ăn vặt, giải nhiệt mùa hè.
Thác Bản Giốc nằm ở huyện nào?
Thác Bản Giốc nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Dòng thác cũng chính là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn. Phần thác chính rộng khoảng 100 m cao 70 m và sâu 60 m với góc nhìn toàn cảnh từ xa thác đổ xuống các tầng đất đá tạo vùng bọt trắng xóa.
Điểm đến ngắm lá đỏ, vàng ở Cao Bằng vào mùa thu?
Hồ Bản Viết nằm gần thác Bản Giốc và thuộc huyện Trùng Khánh, cứ đến cuối năm là rực rỡ sắc màu vì các hàng cây phong hương ven hồ đổi màu lá từ xanh sang đỏ, vàng. Hồ nước ngọt Bản Viết, rộng khoảng 5 ha là địa điểm cắm trại, trekking thu hút du khách.
Ngoài ngắm nhìn khung cảnh trên những cung đường quanh co, du khách đến đây có thể ngồi thuyền, chèo kayak, SUP tận hưởng không khí trong lành trên mặt hồ yên ả.
Cao Bằng có công viên địa chất nổi tiếng nào?
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng gắn liền lịch sử, văn hóa Việt Nam với hơn 215 di tích được xếp hạng. Nơi đây cũng bao gồm nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, hang Pác Bó, suối Lê Nin, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén…