Hiện nay, nếu bắt chuyến tàu lúc 10h từ quận Marylebone, London đến làng Bicester, Anh vào bất kỳ ngày nào trong tuần, bạn có thể thấy sự vắng vẻ hơn hẳn so với mùa hè cách đây 3-4 năm. Chuyến tàu này đông khách Trung Quốc đến mức loa thông báo phát cả tiếng Anh và tiếng Trung. Nhưng hiện tại không có khách Trung Quốc, việc di chuyển dễ dàng hơn và cũng chẳng còn thông dịch viên.

Phần lớn khách Trung Quốc đều dừng chân ở London, Điện Buckingham luôn nằm trong top phải đến đầu tiên của họ, sau đó là Bicester. Ngôi làng outlet hội tụ hàng trăm thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới để khách mặc sức mua sắm. Và dù các thương hiệu này đều có ở Bắc Kinh, du khách vẫn thích đến đây nhờ giá rẻ hơn và được miễn thuế. Trước dịch, nơi này từng có 150 người nói tiếng Trung để hỗ trợ người mua hàng. Giờ đây, nơi này vắng vẻ.

Trier, nằm bên bờ sông Moselle miền tây nước Đức, là một điểm du lịch hút khách không kém vì là nơi sinh của Karl Marx. Thị trấn Montargis, cách Paris 130 km cũng là điểm hấp dẫn, vì là nơi Đặng Tiểu Bình từng sinh sống và học tập những năm 1920. Những nơi này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đông Nam Á cũng không ngoại lệ. Do Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất trong khu vực trước đại dịch. Năm 2019, Campuchia và Indonesia lần lượt đón 2,4 và 2,1 triệu du khách đến từ Trung Quốc còn Thái Lan vượt trội với 11 triệu lượt. Và khi Trung Quốc vẫn đóng cửa, đồng nghĩa các nước trên mất đi số lượng khách đáng kể. Các nước cũng nhanh chóng tìm thị trường khác để lấp chỗ trống, chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, nó chưa thể bù đắp cho sự thiếu vắng mà khách Trung Quốc để lại. Theo đó, Singapore đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế từ lúc mở lại biên giới vào hồi tháng 4, trong đó chỉ có hơn 220.000 khách Ấn, quá ít so với 3,6 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2019.

Ngoài số lượng, khách Trung Quốc còn có khả năng chi tiêu cao. Đây cũng chính là thách thức đối với các quốc gia muốn tìm thị trường khác thay thế. Đối với khách từ các quốc gia khác nếu phải chi tiêu nhiều tiền cho một điểm đến, họ sẽ chọn những nơi sang chảnh như Dubai hay châu Âu, thay vì đến các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng khách Trung Quốc thì được cho rằng, đến đâu họ cũng tiêu nhiều tiền như thế.

Đến trước năm 1974, du khách Trung Quốc vẫn còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Nhưng đến những năm 1990, việc du lịch nước ngoài trở thành một thứ xa xỉ, đáng thèm muốn đối với khách nhà giàu. Dần dần, nó trở thành nhu cầu thiết yếu của tầng lớp trung lưu của đất nước. Những năm sau đó, khách Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn ở Paris, London, Rome...

Hiện Trung Quốc đang dần có những động thái cởi mở hơn. Từ 28/06, thời gian cách ly với khách quốc tế nhập cảnh giảm từ hai tuần xuống 07 ngày. Du học sinh cũng được cấp phép quay trở lại nhập học. Cả thế giới vẫn đang chăm chú dõi theo từng động thái mở cửa đường biên của nước này, để chờ đợi cái ngày khách Trung Quốc nườm nượp đi du lịch trở lại giống như trước đây.