Sau COVID-19, thị trường khách du lịch truyền thống của Đà Nẵng tại Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng và chưa thấy dấu hiệu tích cực trong tương lai gần.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách quốc tế, thời gian qua ngành du lịch Đà Nẵng tích cực xúc tiến quảng bá các thị trường lớn khác như Ấn Độ, Trung Đông và thu được nhiều tín hiệu khả quan.

Trong đó, chú trọng đặc biệt vào các sản phẩm du lịch cao cấp theo thị hiếu người Ấn Độ và Trung Đông như du lịch cưới hỏi, du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện.

Ngay từ tháng 10/2022, hãng hàng không Vietjet Air sẽ khai thác 02 đường bay thẳng từ hai thành phố lớn của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng. Tiếp theo sau đó, lần lượt các đường bay kết nối Đà Nẵng với ba thành phố lớn khác của Ấn Độ cũng đi vào khai thác để trao đổi nguồn khách.  

Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức đoàn công tác tại các quốc gia Trung Đông (Doha và UAE) để giới thiệu du lịch Đà Nẵng và xúc tiến sớm mở lại đường bay trực tiếp Doha - Đà Nẵng.

Giữa Việt Nam - Ấn Độ có sự kết nối lâu đời về văn hóa. Mối quan hệ hai bên đã bắt đầu từ trước công nguyên với sự trao đổi thương nhân và tu sĩ và tiếp nối bởi sự phát triển của Phật giáo và yoga, cùng chia sẻ nền văn hóa lúa nước trong ẩm thực. 

Người Ấn và Trung Đông yêu cầu ẩm thực rất riêng biệt, nhất là giữa các tôn giáo khác nhau khác biệt rất lớn. Họ cũng có nhu cầu về các điểm cầu nguyện trong suốt hành trình. Do đó, để đón được dòng khách tiềm năng này, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường Ấn Đô, Trung Đông. Khi chúng ta đảm bảo được các tiêu chuẩn này, cộng đồng du khách sẽ tự tuyên truyền cho nhau và kéo nhau đến Đà Nẵng.