1. Nón làng Chuông - Hà Nội

"Muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông".

Nép mình bên dòng sông Đáy, làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm nón đã có lịch sử hơn 3 thế kỷ.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón như nón ba tầm, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp... Từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón là nón lá chóp nhọn - kiểu mẫu truyền thống.

Lá lụi là nguyên liệu chính làm nên nón Chuông. Thứ lá trắng xanh bắt mắt này được lấy từ vùng đồi núi Thanh Hóa, Hà Tĩnh, về vò với cát rồi phơi khô 2 - 3 nắng cho đến khi chuyển màu trắng bạc là đạt yêu cầu.

Trải qua thăng trầm, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, người dân làng Chuông vẫn miệt mài khâu từng chiếc nón. Người già truyền lại cho lớp trẻ, người lớn dạy cho trẻ nhỏ, cứ thế mà nghề nối nghề, họ vững tin và âm thầm gìn giữ chiếc nón lá mang đậm bản sắc Việt.

Cảnh đan nón lá của người dân Làng Chuông

Đến thăm làng Chuông, du khách thường chọn những ngày có phiên chợ bán nón và các nguyên liệu làm nón như lá, khung, nan tre… Cứ một tháng 6 phiên (ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch), chợ Chuông lại tấp nập kẻ mua, người bán, đến khoảng 8 giờ sáng là chợ đã vãn.

Điểm đặc biệt của chợ nón làng Chuông là những người bán nón xách rong hay đội trên đầu, vác trên vai những chồng nón cỡ 10 - 20 chiếc chạy đi chạy lại khắp khu chợ tìm người mua. Còn người mua thì chỉ việc ngồi một chỗ, chờ nón đến tận tay, kiểm tra chất lượng và trả giá. Một chiếc nón được bán với giá dao động khoảng 30.000 – 40.000 đồng, những chiếc nón có họa tiết cầu kỳ thì đắt tiền hơn gấp nhiều lần.

Nón làng Chuông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”. Cùng với việc tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề, huyện Thanh Oai đang xây dựng một tour du lịch các làng nghề, trong đó có nghề nón làng Chuông.

Du lịch làng nghề truyền thống - Nón Làng Chuông

2. Nón ngựa Phú Gia - Bình Định

Nón được làm ở làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) có tuổi đời hơn 300 năm. Nếu chiếc nón bài thơ xứ Huế với những hình ghép phong cảnh hữu tình, những bài thơ lồng trong các lớp lá làm nên nét dịu dàng, thướt tha của người con gái, thì ngược lại, nón ngựa Phú Gia là biểu tượng cho sự dũng mãnh. Nón thường được bịt bạc, chạm trổ, thêu hoa văn theo các đề tài Long Lân Quy Phụng, Lưỡng Long Tranh Châu… mang đậm bản sắc văn hóa của miền đất võ Bình Định.

Từng chiếc nón ngựa được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mể sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ tàu thơm trắng muốt và đều đặn. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.

Họa tiết trên chiếc nón ngựa Phú Gia

Được biết, xưa kia, chiếc nón ngựa chủ yếu được sản xuất để cung cấp cho giới quan lại triều đình, các bậc thượng lưu, quyền quý, thường đội khi cưỡi ngựa nên gọi là nón ngựa. Những người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau, có chụp bằng đồng hay không,… cứ trông vào đó mà có thể biết được phẩm hàm của từng chức quan lại. Còn các bậc phong lưu thì sẽ đội nón có họa tiết Mai, Lan, Cúc, Trúc… vừa có nét cao sang quý phái, vừa thể hiện sự trang nhã, mềm mại.

Dựa vào những cứ liệu lịch sử thì vào thời vua Quang Trung, chiếc nón ngựa đã từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn trong chuyến hành quân thần tốc ra Bắc. Theo thời gian, nón ngựa cũng được cải biến dần, có nhiều loại dành cho tất cả mọi người.

Mẫu nón ngựa có chụp đồng

Hiện toàn xã Cát Tường có khoảng 320 hộ với trên 700 lao động làm nón. Theo bà con làng nghề, làm chiếc nón ngựa truyền thống đòi hỏi nhiều công phu nên giá thành cao, giá bán lên đến 400.000 – 500.000 đồng/chiếc, có khi lên tới vài triệu đồng. Vài năm gần đây nón ngựa tiêu thụ khá mạnh, nhưng phần lớn làm theo đơn đặt hàng và chủ yếu là nón lật (chỉ có phần lưới) giá từ 80.000 – 150.000 đồng/chiếc.

Kể từ khi Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định lần đầu năm 2006, tiếng tăm của nón ngựa Phú Gia ngày càng vươn xa, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến.

Cảnh đan nón ngựa Phú Gia của cô gái Bình Định

3. Nón Thới Tân - Cần Thơ

Cần Thơ được biết đến là địa điểm có thiên nhiên trù phú, phong cảnh hữu tình và nhiều làng nghề thủ công đặc sắc. Trong đó, phải kể đến nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A, huyện Thới Lai.

Không ai nhớ rõ nghề chằm nón ở đây xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, những người làm nghề lớn tuổi cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá.

Nón Thới Tân được làm bằng lá mật cật và cây trúc. Lá mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc rất nhiều ở Phú Quốc, Cà Mau, Tây Ninh… Mỗi cây mật cật chỉ có một lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm ra chiếc nón, người thợ phải có khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái mô.

Người thợ làm khung chằm nón, gọi là cái mô

Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành. Để làm cho chiếc nón thêm phần bắt mắt, người thợ thường trang trí lên nón những hoa văn, họa tiết độc đáo, đa phần là thường thêu những bài thơ, cảnh vật, hoa lá…

Một trong những đặc điểm khiến nón lá Cần Thơ được ưa chuộng là vì chiếc nón lá mượt mà và bền bỉ chắc chắn. Nón lá có 02 loại, nón đi ruộng và nón đi chợ. Nón đi ruộng được làm dày dặn, chắc chắn hơn, vành rộng hơn. Còn nón đi chợ thì cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt hơn rất nhiều.

Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người ta phân biệt ra nón thưa và nón dày. Người ta chọn mua một chiếc nón đẹp trên cơ sở chiếc nón ấy có bền hay không, đan dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ. Một chiếc nón do người thợ giỏi nghề làm được bán với giá gấp 3 - 5 lần nón thường (khoảng 60.000 - 70.000 đồng/cái).

Làng nghề đan nón của người dân Thới Tân, Cần Thơ

Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật mà người dân làng nghề làm nón đã thổi vào những chiếc nón lá truyền thống, hy vọng rằng những làng nghề làm nón khắp 3 miền tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn trong tương lai.