Lễ hội khai mạc vào ngày 26/11, điểm nhấn là những đồi hoa tam giác mạch lưng chừng núi và trải nghiệm không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc.
Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức trồng và chăm sóc hoa từ sớm với gần 400ha hoa tam giác mạch, tập trung cho hoa nở rộ nhất vào đúng thời điểm tổ chức khai mạc lễ hội và kéo dài đến cho hết tháng 12.
Trong đó, huyện Đồng Văn là địa điểm trồng nhiều hoa tam giác mạch nhất với khoảng 250ha tại các cung đường Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú. Tại huyện Quản Bạ, địa điểm tập trung nhiều loại hoa này nhất là điểm dừng chân Cổng trời, du lịch Thạch Sơn Thần và các điểm có diện tích đất dọc quốc lộ 4C.
Sự kiện diễn ra tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với chủ đề "Sức sống cao nguyên đá", gồm các hoạt động du lịch trải nghiệm và thể thao. Ngoài ra, du khách đến đây còn được trải nghiệm không gian giới thiệu sản phẩm OCOP, hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Hà Giang (từ ngày 25-28/11); giải đua ôtô, motor mạo hiểm "Tinh thần đá" (từ ngày 19-20/11); giải đua thuyền Kayak, Sup ván đứng (ngày 22/10)...
Nằm trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động du lịch trải nghiệm đặc sắc như: Hội dệt lanh hai xã Lùng Tám, Cán Tỷ; Thăm quan hang Lùng Khuý, làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm; Ngày hội văn hoá các dân tộc tại huyện Quản Bạ; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô tại huyện Mèo Vạc; Hội thi ẩm thực địa phương Sân chợ Phố cổ; Trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; Chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống tại khu phố cổ huyện Đồng Văn.
Tam giác mạch cũng được trồng nhiều tại huyện Mèo Vạc và Yên Minh. Đặc biệt, du khách được trải nghiệm đi trên con đường hoa tại Phố cổ Đồng Văn, tham gia các hoạt động trải nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá như các các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao truyền thống và thưởng thức nhiều món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây.
Lễ hội hoa tam giác mạch đến nay không chỉ là biểu tượng du lịch, còn là nguồn thu nhập chính của bà con mảnh đất biên cương Hà Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tần suất mỗi năm một lần, tiếp nối thành công của 7 sự kiện đã diễn ra, năm 2022, chương trình tiếp tục tổ chức trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với du khách khi đến Hà Giang.