Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam.

Cách đây gần 200 năm, ngôi miếu được dựng lên bằng tre, nứa đơn sơ. Qua 3 giai đoạn phát triển, giờ đây ngôi miếu trở nên to đẹp, độc đáo về mặt nghệ thuật kiến trúc.

Từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, Miếu Bà đông khách thập phương đến thăm viếng, nhất là khoảng thời gian diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ chính thức diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó có ngày vía chính là ngày 25.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, An Giang

Với văn hóa tâm linh cầu được ước thấy, mỗi năm miếu Bà Chúa Xứ thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, góp phần phát triển cho ngành du lịch ở An Giang. Năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Chùa Hang, An Giang

Chùa Hang nằm cách trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 125 km, và cách trung tâm Rạch Giá khoảng 70km. Chùa nằm trong cụm 4 di tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia của khu vực núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Chùa Hang còn được biết đến với tên gọi là Phước Điền Tự, được xây dựng men theo triền núi Sam nổi tiếng linh thiêng của thành phố Châu Đốc. Đường lên chùa là hàng trăm bậc thang được tạo từ các khối đá lớn xếp chồng lên cao dần.

Chùa Hang nổi danh nhờ vẻ đẹp trang nghiêm, thanh tịnh lại trữ tình, nên thơ. Nơi đây nằm cách chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km.

Chùa Hang do bà Lê Thị Thợ (1818 – 1899), biệt danh là bà Thợ pháp danh Diệu Thiện, làm nghề thợ may tạo lập làm nơi tu hành khi tuổi còn trẻ. Ban đầu, chùa chỉ là một chiếc am nhỏ bằng tre lợp lá. Tương truyền, cạnh am bà Thợ tu hành có 1 hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, hung tợn. Từ khi bà Thợ đến tu, đôi mãng xà trở nên hiền lành, thường đến am bà Thợ nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà Thợ đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà. Sau khi bà Thợ qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.

Năm 1885, cảm mến công đức bà Thợ, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) đã cùng nhân dân Châu Đốc quyên góp tiền và ngày công xây dựng lại chùa. Từ năm 1937 đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu và xây dựng.

Chùa Hang (Phước Điền Tự), An Giang

Từ lâu, Chùa Hang đã trở thành niềm tự hào của người dân Châu Đốc, một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi có dịp ghé núi Sam linh thiêng.

Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu

Chùa Xiêm Cán tọa lạc ở xã Hiệp Thành, nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng chừng 7km. Tuyến đường đến chùa Xiêm Cán còn kết nối nhiều điểm đến nổi tiếng như Vườn chim Bạc Liêu, nhà Công tử Bạc Liêu giúp du khách thuận lợi khám phá nơi đây.

Theo lịch sử ghi lại, ngôi chùa được xây dựng vào năm 1887 với diện tích ban đầu là 4.500 m2. Thuở ban sơ, chùa có tên tiếng Khmer là Komphisako, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ phật pháp. Sau này, một bộ phận người gốc Hoa đến đây định cư đã dịch tên chùa thành Xiêm Cán.

Quần thể kiến trúc tâm linh Xiêm Cán gồm nhiều hạng mục quay mặt về hướng Đông, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông đặc trưng. Không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo, chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nên nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc người Khmer.

Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu vào những dịp lễ hội lớn như Ok Om bok, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, du khách sẽ có dịp thấy chùa Xiêm Cán được trang hoàng lộng lẫy. Còn không khí trong chùa những ngày này cũng thật rộn ràng với ca hát, vũ hội…

Chùa Pothisomron, Cần Thơ

Tọa lạc tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, bên cạnh dòng sông Ô Môi, chùa Pothisomron được biết đến là ngôi chùa Khmer cổ nhất Cần Thơ. Một trong những nét kiến trúc nổi bật nhất của chùa Pothisomron là khu vườn tháp cổ kính, với những ngôi tháp to, đẹp, niên đại lên đến hàng trăm năm tuổi.

Chùa được xây dựng vào năm 1735 bằng những vật liệu đơn sơ như tre, lá. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, chùa đã 2 lần thay đổi địa điểm, lần đầu chùa được xây dựng ở vòm Ô Môn, sau đó di dời đến Bo Rích, thời gian sau về Rạch Chùa hiện nay.

Chùa Pothisomron, Cần Thơ

Đến với du lịch Cần Thơ, du khách như lạc bước vào một khu rừng nhỏ với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát khi được viếng thăm chùa. Vẻ đẹp của ngôi chùa càng được tôn lên nhờ cây sala – còn gọi là cây vô ưu, tương truyền được đem về từ Ấn Độ, cây được trồng ở một góc sân chùa từ năm 1969 và luôn nở những đóa hoa thanh nhã, tỏa hương thơm ngát.

Tổ đình Phước Hậu, Vĩnh Long

Tổ đình Phước Hậu được dựng vào hậu bán thế kỷ XVIII. Ngôi chùa nằm ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, Huyện Tam Bình, Tỉnh Vĩnh Long.

Trước mặt chùa là dòng sông Hậu - tuyến giao thông quan trọng của quốc gia. Sau lưng là quốc lộ 54 (xưa là tỉnh lộ 37) nối liền ba tỉnh Vĩnh Long – Cần Thơ – Trà Vinh, cách chùa vài trăm mét là thị trấn Trà Ôn.

Tương truyền, ban đầu chùa Phước Hậu chỉ là một am tranh đơn sơ nằm bên dòng sông Hậu, được vài thiền sư dừng chân tạm thời. Khoảng năm 1894, ông Hương cả Lê Văn Gồng, người ở địa phương, vốn rất mộ đạo đã vận động bà con Phật tử đứng ra xây dựng lại ngôi chùa bằng gỗ, mái lợp ngói, đặt tên là chùa Đông Hậu, mãi sau này mới đổi tên thành Phước Hậu.

Tổ đình Phước Hậu, Vĩnh Long

Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Tổ đình Phước Hậu vẫn giữ được nét kiến trúc khoáng đạt, giản dị nhưng cũng vô cùng ấm áp và linh thiêng.

Chùa Rạch Giồng, Cà Mau

Chùa Khmer Rạch Giồng tọa lạc tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 17km về hướng Bắc, cách trung tâm thị trấn Thới Bình khoảng 18km về hướng Nam.

Chùa Rạch Giồng được xây dựng vào năm 1788, là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Cà Mau và đã trải qua nhiều đời trụ trì. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Rạch Giồng là nơi che chở nhiều cán bộ cách mạng Cà Mau.

Chùa Rạch Giồng, Cà Mau

Khuôn viên chùa rộng gần 3ha và được trồng rất nhiều cây sao. Năm 2012, chùa khánh thành ngôi chánh điện có lối kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc. Chánh điện chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chánh điện đẹp nhất trong các chùa Khmer ở tỉnh Cà Mau.