Xu hướng này cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, tạo ra nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với du khách quốc tế và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Để thu hút du khách cũng như giới đầu tư, nhiều tỉnh thành duyên hải miền Trung đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, trong đó Bình Định, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam... là những điểm sáng về phát triển du lịch xanh nhờ hội tụ nhiều lợi thế về biển đảo, văn hóa - lịch sử.

Thực trạng nhiều địa phương trước đây phát triển du lịch ven biển một cách ồ ạt, chỉ tập trung mục tiêu lợi nhuận nên đã gây sức ép đối với tài nguyên thiên nhiên, làm suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch thiếu tính bền vững ở các tỉnh thành phố ven biển dẫn đến sự gia tăng chi phí sinh hoạt đối với người dân địa phương. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do tính chất du lịch biển và ven biển dựa vào tình thời vụ, gây mất cân đối việc làm trong ngành dịch vụ du lịch, ảnh hưởng thu nhập và đời sống người lao động.

Vì vậy, phát triển du lịch phải đảm bảo nguyên tắc bền vững, tiếp tục tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên hay các giá trị văn hóa lâu đời. Theo đó, các địa phương và doanh nghiệp cần khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, an toàn du lịch, đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc phát triển du lịch bền vững gồm 03 hợp phần chính, được ví như "kiềng ba chân" là thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị về văn hóa xã hội và phát triển kinh tế địa phương.