Vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai là đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, sở hữu nhiều tiềm năng du lịch sinh thái chưa khai phá hết.

Cái tên Phá Tam Giang được vua Minh Mạng đặt cho vùng đất này bởi nơi gặp gỡ của 3 con sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ.

Đầm phá ở đây có độ sâu từ 2m đến 4m, thậm chí có nơi sâu tới 7m. Hoàng hôn trên phá Tam Giang là một trong những cảnh tượng khiến nhiều người mê đắm.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha, trải dài 68 km, thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Những hàng sáo, nò được ngư dân lắp đặt trên khắp vùng đầm phá. Phương thức đánh bắt này được người dân duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phần lớn người dân ở Phá Tam Giang sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Đàn ông ra khơi, đàn bà vào phá cào nghêu chỉ với dụng cụ là cây cào và chiếc nón lá đội đầu.

Tam Giang - Cầu Hai là nơi mưu sinh của hàng nghìn ngư dân. Tập quán đánh bắt thủy hải sản trên vùng đầm nước lợ hàng trăm năm qua của người dân không hề thay đổi.

Những chiếc ghe, ngư cụ thân quen của người dân ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Chợ nổi ở đầm Quảng Lợi là một trong những nét riêng biệt ở Phá Tam Giang. Các tiểu thương tự mình chèo thuyền ra giữa đầm thu mua tôm cá mà ngư dân vừa đánh bắt được sau một đêm thức trắng.

Chợ nổi Quảng Lợi không đông đúc xuồng ghe và đa dạng nhiều mặt hàng như những chợ nổi miền Tây Nam Bộ. Ở đây, cư dân địa phương chủ yếu mua bán các loại thủy sản vừa đánh bắt được ở vùng đầm phá.

Khu rừng ngập mặn Rú Chá ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà được xem là khu sinh quyển quan trọng của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Khu vực này chủ yếu là cây Chá cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Khu bảo tồn rừng ngập mặn Rú Chá là một trong những địa điểm thường được săn ảnh nhiều. Nhất là ở nơi rừng và biển hội tụ này còn có nguồn tôm cá dồi dào, và là nơi cư trú của rất nhiều loài chim.

Con đường rợp bóng cây trải dài ở rừng Rù Chá. Những rặng cây ngập mặn bao phủ tựa như bức tường dày.

Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha, gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch tại Phá Tam Giang chủ yếu là tham quan ngắm cảnh, nghỉ chân; săn ảnh; tham gia các hoạt động bắt tôm, đánh cá; chơi các trò chơi trên đầm phá; ăn uống; trải nghiệm một số điểm làm nghề truyền thống; trồng rau cùng người dân...

Khi du lịch tham quan Phá Tam Giang, du khách có thể theo lịch trình như sau: Chèo thuyền tham quan Đầm Tam Giang – Rừng Rú Chá - Làng Chài Thái Dương Hạ - Chợ nổi Phá Tam Giang (Chợ nổi Quảng Lợi) – Thưởng thức món ăn ngon.

Có thể nói, cảnh đẹp ở Phá Tam Giang khiến nhiều người yêu thích nhưng để trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng ở Huế thì có lẽ là chuyện của tương lai. Hiện tại, Phá Tam Giang là nơi để người dân tìm kế mưu sinh trước tiên hơn là làm du lịch.